"Cái răng cái tóc là góc con người", chúng ta đã nghe câu này rất nhiều lần nhưng đã thực sự quan tâm chăm sóc hai bộ phận này đến mức độ nào?
Răng ngoài ý nghĩa giúp tiêu hoá tốt còn có ý nghĩa thẩm mỹ rất lớn, thử tưởng tượng xem khi bạn nhe răng cười mà chỉ thấy toàn là nướu hay như "cầu ván đóng đinh" thì ai muốn bắt chuyện nữa. Vì thế, các nam phụ lão ấu… cần bảo vệ thật tốt răng của mình để có cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc và nụ cười "xinh càng thêm xinh". Sau đây là 10 cách bảo vệ hữu hiệu để có hàm răng khoẻ đẹp.
Đánh răng kỹ và đúng cách
Đặt bàn chải đánh răng một góc 45o với nướu răng và kéo lên xuống nhiều lần (tránh kéo cưa). Không mạnh quá, động tác ngắn gọn nhưng phải thay đổi tay thì tất cả răng mới được chải. Đánh răng trong khoảng 3 phút.
Lưu ý một số thực phẩm gây nứt rạn răng
Keo, nước đá, xương sườn (khi hầm hay kho) là những món có thể làm rạn bề mặt của răng. Không nên thường xuyên uống thức uống có chứa carbonic acid vì những chất này có thể làm mòn men răng. Uống cà phê và trà nhiều cùng có thể làm vàng ố răng.
Dùng chỉ nha khoa
Nếu chỉ thỉnh thoảng hay chưa bao giờ dùng chỉ đánh răng thì bạn đã không làm sạch được 30% bề mặt từng chiếc răng, lâu ngày chất bẩn có thể đóng thành bợn cứng gây hại chân răng. Nên dùng chỉ nha khoa mỗi ngày 2 lần đều đặn và thực hiện nhẹ nhàng.
Răng chỉ có chức năng duy nhất là nhai
Đừng lạm dụng để xé một cái bao thật dai, cắn bể hạt dẻ, khui nắp bia, nắp nước ngọt thì chẳng bao lâu lớp men răng dễ bị rạn và gây thương tổn răng.
Đừng hút thuốc
Những người hút thuốc có khả năng mắc bệnh về lợi cao gấp 4 lần so với những người không hút. Hút thuốc chắc chắn sẽ làm vàng hay ố răng, đó chưa kể "lưỡi hái tử thần" của chứng ung thư miệng và phổi.
Đừng nghiến răng
Nghiến răng thường xuyên có thể làm cho lợi bị tuột xuống và tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh về răng miệng. Nếu sáng thức dậy mà thấy đau cổ, đau hàm răng và nhức đầu thì bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa gấp.
Lưu ý tác dụng phụ của thuốc
Có trên 400 loại thuốc có thể gây hại đến sức khoẻ răng của bạn, đặc biệt là các loại thuốc trị các chứng như trầm uất, dị ứng, lo lắng vì có thể làm cho tuyến nước bọt giảm đi, giảm khả năng sát trùng vi khuẩn có hại. Nếu có uống thuốc, nên báo cho nha sĩ để có thể kê cho bạn một loại thuốc súc miệng có hàm lượng fluoride cao hay một loại gel tăng cường sức khoẻ răng.
Đừng xem thường các vấn đề về dạ dày
Đau bao tử mà không điều trị sớm sẽ gây tác hại lên răng lợi và gây ra các chứng bệnh về răng. Ví dụ, chứng sình bụng có thể khiến acid trong dạ dày di chuyển ngược trở lên miệng làm mòn men răng hay có thể mang các vi khuẩn có hại lên miệng.
Cẩn trọng khi chơi các môn thể thao mạnh bạo
Khi chơi quyền anh, bóng đá, cần mang dụng cụ bảo vệ răng, đặc biệt là khi có mang bộ phận niềng răng.
Kiểm tra răng 6 tháng/lần
Chúng ta vần thường quên và thờ ơ khi thấy răng vận bình thường, không nhúc nhích, lung lay gì cả. Các chứng bệnh về răng thường tiềm ẩn và chờ cơ hội "ra tay bí mật" không gây đau đớn nhưng từ từ nặng thêm và làm hỏng những chiếc răng của bạn.
(theo BSGĐ)