Tục nhuộm răng của người Việt xưa

Việc nhuộm răng đen không chỉ là nét văn hóa của riêng người Việt Nam, mà nó còn xuất hiện ở một số nơi khác của vùng Viễn Đông như: một số dân tộc từ Nhật Bản, Malaysia và miền Nam Trung Quốc. Ở miền núi phía Bắc Việt Nam có những tộc người vẫn nhuộm răng đen như: người Tày, Dao, Lô Lô…

Theo quan niệm xưa, hàm răng đen được coi là chuẩn mực của cái đẹp không những đối với phụ nữ mà cả nam giới cũng vậy. Hàm răng đen của người Việt cổ không phải do việc ăn trầu nhiều mà có, mà phải qua một quá trình nhuộm rất công phu mới có được. Việc nhuộm răng đen không những làm cho hàm răng đen bóng mà nó còn là một biện pháp bảo vệ răng, giúp cho hàm răng không bị sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại.

Để có một hàm răng đen bóng, đẹp và đều, người nhuộm phải trải qua một quá trình công phu và không kém phần đau nhức. Người dân thường thì cũng nhuộm theo phương pháp đơn giản và rẻ tiền, còn những quan lại, vua chúa thì lại có các phương pháp thuốc gia truyền được giữ bí mật về công thức pha chế thuốc nhuộm để có thể duy trì màu đen bóng của răng trong thời gian dài.

Trước khi nhuộm phải tiến hành làm sạch hàm răng. Sau đó trong 2-3 ngày liền người đó phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô và than bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai các lát chanh mỏng, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Làm như vậy, chất a-xít trong chanh sẽ ăn mòn lớp men ngoài của răng làm thành những vệt sần sùi trên bề mặt răng nhưng không ăn sâu quá làm hại răng, nhờ đó thuốc nhuộm có thể bám chặt hơn vào thành răng.

Nhuộm răng phải trải qua các giai đoạn: nhuộm răng đỏ và nhuộm răng đen. Khi bắt đầu nhuộm, người ta phết chất cao nhuộm răng đen lên lá chuối, lá dừa hay lá cau, cắt vừa khít với hàm răng rồi ép lên mặt ngoài răng. Khoảng 9-10 tiếng thì thay thuốc một lần. Người nhuộm phải nằm há mồm, không được cử động hàm răng cũng như đá lưỡi, đến sáng hôm sau mới được súc miệng bằng loại nước mắm hảo hạng để thải hết chất thuốc còn dính ở kẽ răng. Sau đó, trong vòng 15 ngày, người nhuộm răng chỉ được ăn các chất lỏng như cháo, bún chấm nước mắm…và chỉ nuốt chứ không được nhai. Ăn xong phải súc miệng bằng nước thuốc. Tiếp đó dùng một thứ thuốc bột để “xỉa khô”, dùng tay miết thuốc lên mặt răng để có hàm răng đen. Đây là công đoạn để có một hàm răng đen bóng ánh như hạt huyền.

Tục nhuộm răng đen còn tồn tại mãi cho đến khi sang thế kỷ 20, người Việt Nam mới phá bỏ tục lệ này. Hàm răng đen bị đẩy lùi vào dĩ vãng, tuy nhiên nó vẫn còn tồn tại ở một số làng quê Việt Nam.

(Theo HNMĐT)